Xuân ất Tỵ 2025 đón chào sự kiện lịch sử quan trọng của ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và ngành Tài nguyên - Môi trường: Mái nhà chung mang tên Bộ nông nghiệp và Môi trường. Năm Ất Tỵ 2025, năm của con rắn, mang đến nhiều ý nghĩa sâu sắc về nông nghiệp, về môi trường.
Với nông nghiệp, rắn là "người bảo vệ thầm lặng", là thiên địch giúp kiểm soát tự nhiên các loài phá hoại mùa màng như chuột, côn trùng, chim chóc. Với môi trường, rắn là "cảm biến sinh học" phản ứng sớm với thay đổi thời tiết, thiên tai, ô nhiễm và góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau. Với văn hoá, văn minh lúa nước, rắn tượng trưng cho sự đổi mới và phát triển. Kết quả tốt đẹp, thành tựu vượt bậc, không đến từ sự an nhàn hay giữ nguyên theo cách cũ, mà đến từ sự "lột xác", chủ động thể thay đổi, để đón nhận tương lai.
Rắn lột da để lớn lên. Con người thay đổi tư duy, hành động để thành công. Tổ chức, bộ máy sắp xếp lại để vận hành nhanh nhạy hơn, thông suốt hơn. Mục tiêu của việc hợp nhất hai Bộ, tổ chức lại các đơn vị bên trong, phân định lại chức năng nhiệm vụ hợp lý, khoa học, hướng đến sự tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Giá trị xanh, bền vững không còn là xu hướng. Giảm phát thải, tối ưu hoá quy trình sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường... không còn là khẩu hiệu, hay khuyến nghị cho tương lai, mà đã hiện diện trong mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày.
Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng giá cả... Mà chú trọng cả về tổng thể quy trình sản xuất, cách thức sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, về quá trình vận chuyển nông sản, từ cánh đồng, ao nuôi...đến bàn ăn, có đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường? Và cả câu chuyện cảm xúc, độc đáo của chính người nông dân, của làng quê nông thôn, biết bảo vệ sức khoẻ của bản thân, của cộng đồng, biết gìn giữ môi trường sống cho thế hệ mai sau.
Chính vì vậy, nhờ sự hợp lực của hai Ngành, sự gắn kết chức năng quản lý sản xuất và kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn, với chức năng quản lý tổng hợp về tài nguyên và môi trường vừa thích ứng kịp thời xu thế toàn cầu, vừa khởi tạo không gian giá trị mới theo xu hướng tuần hoàn bền vững.
NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG VỚI CÁCH THỨC TIẾP CẬN "XANH, TRÁCH NHIỆM, BỀN VỮNG"
Từ góc độ kinh tế tuần hoàn, không gian giá trị mới cao hơn, bền vững hơn, mở ra cơ hội dư địa phát triển cho ngành Nông nghiệp và Môi trường. Đi vào mô tả chi tiết, nông nghiệp tuần hoàn là "mô hình sản xuất nông nghiệp, trong đó tài nguyên như đất, nước, năng lượng, và chất thải được sử dụng hiệu quả và tái sử dụng liên tục. Mục tiêu là giảm thiểu chi phí, bảo vệ môi trường và tối ưu hóa năng suất. Trong mô hình này, chất thải nông nghiệp như phân bón, rơm rạ, hay phân động vật được tái chế hoặc tái sử dụng làm tài nguyên cho các hoạt động sản xuất tiếp theo, tạo ra một hệ sinh thái tự cung tự cấp và bền vững”.
Trong diễn giải về mô hình nông nghiệp tuần hoàn nêu trên, có những từ khóa đáng lưu ý như: “sản xuất nông nghiệp, tài nguyên, bảo vệ môi trường, tái chế chất thải nông nghiệp thành tài nguyên…”. Điều đó cho thấy, các chức năng quản lý nông nghiệp, điều hành sản xuất và chức năng quản lý tổng hợp về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trước đây được phân tách tương đối độc lập ở hai ngành khác nhau, thì giờ đây, đã nối kết lại trở thành một. Đúng là từ một trong hai (một việc có cả trong hai ngành), nay hợp nhất “hai là một”.
Tư duy kinh tế trong nông nghiệp và môi trường, một lần nữa, gắn kết với các cách thức tiếp cận bao hàm các giá trị xanh, trách nhiệm, bền vững.
Những giá trị mới bắt đầu được hình thành từ sự hợp nhất này. Thay vì xử lý chất thải nông nghiệp tốn kém do phát sinh thêm chi phí, giờ được tái chế, tái sử dụng thành tài nguyên, tạo ra sản phẩm mới, nâng giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp và thương hiệu nông sản. Môi trường canh tác và sinh hoạt nhờ thế mà trở nên trong lành và an toàn hơn.
Trước đây, công tác quản lý tài nguyên dựa trên tài nguyên tái tạo được hay tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được, thì nông nghiệp tuần hoàn giờ đây có thể tạo ra những tài nguyên mới, với vòng đời mới, giá trị mới. Như vậy, tư duy kinh tế trong Nông nghiệp và Môi trường, một lần nữa, gắn kết với cách thức tiếp cận bao hàm các giá trị xanh, trách nhiệm, bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn